Kê khai hóa đơn thay thế khác kỳ theo Thông tư 78/2021/TT-BTC như thế nào? Hướng dẫn thực hiện kê khai hóa đơn thay thế khác kỳ?

Hướng dẫn thực hiện kê khai hóa đơn thay thế khác kỳ theo Thông tư 78/2021/TT-BTC như thế nào?

Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khi hóa đơn điện tử sai sót mã số thuế, sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người nộp thuế được lựa chọn 01 trong 02 hình thức xử lý là lập hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế hóa đơn có sai sót.

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm phát sinh thuế giá trị gia tăng và thời điểm lập hóa đơn, cụ thể:

– Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 4 điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế nếu phát hiện hồ sơ khai thuế lần đầu đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra

Như vậy, khi lập hóa đơn thay thế hoặc hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn có sai sót sẽ làm thay đổi nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng đã kê khai trước đó. Do đó, doanh nghiệp phải lập tờ khai thuế GTGT bổ sung cho tháng (hoặc quý) có hóa đơn bị sai sót.

Theo đó, hóa đơn thay thế hoặc hóa đơn điều chỉnh và hóa đơn bị thay thế/bị điều chỉnh phát sinh tại 02 kỳ kê khai thuế khác nhau thì doanh nghiệp phải kê khai hóa đơn thay thế hoặc hóa đơn điều chỉnh trên tờ khai bổ sung của kỳ phát sinh hóa đơn bị thay thế hoặc hóa đơn bị điều chỉnh.

Thực hiện kê khai hóa đơn thay thế khác kỳ như thế nào?

Khi phát sinh hóa đơn thay thế, hóa đơn điều chỉnh, doanh nghiệp cần xác định sai sót cũng như ảnh hưởng của việc lập hóa đơn thay thế/điều chỉnh đối với nghĩa vụ thuế của kỳ gốc để thực hiện kê khai như sau:

Sai sót

Chỉ tiêu tờ khai

Thủ tục

Sai sót không làm ảnh hưởng đến tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ

Sai chỉ tiêu [23]: Giá trị hàng hóa mua vào

[29],[30],[32],[32a]: Doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế suất GTGT 0%; Doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế suất GTGT 5%; Doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế suất GTGT 10%; Doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra không tính thuế

Chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

Nếu ảnh hưởng của khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được hoàn của kỳ gốc

Sai sót làm tăng, giảm chỉ tiêu [40] “KHBS”

Lập Tờ khai bổ sung, Bản giải trình:

Tại tờ khai của kỳ bị sai:

– Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào trên chỉ tiêu [23], [24], [25] về số đúng kèm KHBS

– Điều chỉnh chỉ tiêu: [29], [30], [31], [32], [33] về số đúng kèm KHBS

Phải nộp đủ số tiền thuế thiếu và tiền chậm nộp

Nếu chỉ tiêu [40] “KHBS” <0: Theo dõi bù trừ với thuế phải nộp kỳ sau.

Nếu ảnh hưởng của khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ gốc

Sai sót chỉ làm ảnh hưởng tăng, giảm chỉ tiêu [43]

Lập Tờ khai bổ sung, Bản giải trình:

Tại tờ khai của kỳ bị sai:

– Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào trên chỉ tiêu [23], [24], [25] về số đúng kèm KHBS

– Điều chỉnh chỉ tiêu: [29], [30], [31], [32], [33] về số đúng kèm KHBS

Trên tờ khai của kỳ phát hiện:

– Nếu chỉ tiêu [43] “KHBS” >0: Kê khai chênh lệch tăng vào chỉ tiêu [38] của kỳ phát hiện.

– Nếu chỉ tiêu [43] “KHBS” <0: Kê khai chênh lệch giảm vào chỉ tiêu [37] của kỳ phát hiện.

Lưu ý: Phải đảm bảo chỉ tiêu [22] kỳ này bằng chỉ tiêu [43] của tờ khai chính thức kỳ trước liên kề mà không điều chỉnh lũy kế các tờ khai.

Thời hạn và hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế quy định ra sao?

Căn cứ tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn và hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

– Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

– Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

+ Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019;

+ Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

– Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:

+ Tờ khai bổ sung;

+ Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan.

 

Tham khảo: Nguyễn Trần Hoàng Quyên – Thư Viện Pháp Luật

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán,
báo cáo thuế, doanh nghiệp