Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và các văn bản hiện hành thì hiện nay tính thuế GTGT theo 02 phương pháp:
– Phương pháp khấu trừ thuế
– Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
Theo đó, về nguyên tắc thì công thức chung để tính thuế GTGT như sau:
Thuế GTGT = Giá tính thuế x Thuế suất thuế GTGT
Tuy nhiên, để phù hợp với từng đối tượng áp dụng thuế GTGT thì việc tính thuế GTGT sẽ có sự khác nhau khi áp dụng 02 phương pháp tính thuế GTGT.
Cách tính thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ thuế như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn cách tính thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ thuế như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Trong đó:
– Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn GTGT
Thuế GTGT của HH,DV bán ra ghi trên hóa đơn GTGT = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hó, dịch vụ đó.
– Nếu sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế:
Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết… thì giá chưa có thuế được xác định như sau:
Giá chưa thuế GTGT = Giá thanh toán / (1+ Thuế suất của hàng hóa)
– Số thuế GTGT đầu vào = tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập hàng hóa trị giá 300 triệu đồng, mặt hàng này đang chịu mức thuế suất là 10% .
=> Số thuế GTGT đầu vào mà doanh nghiệp A cần phải chịu là: 10% x 300 triệu = 30 triệu đồng.
Khi bán đơn hàng này cho người mua với mức giá 350 triệu đồng, người mua chịu mức thuế suất GTGT 10% đối với mặt hàng này
=> Số thuế GTGT đầu ra là: 10% x 350 triệu = 35 triệu đồng.
Như vậy, số thuế GTGT doanh nghiệp A cần nộp vào ngân sách Nhà nước là: 35 triệu – 30 triệu = 5 triệu đồng.
Cách tính thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp tính trực tiếp trên GTGT?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn tính thuế GTGT đối với phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
Trước hết, về đối tượng tính thuế GTGT đối với phương pháp tính trực tiếp trên GTGT sẽ áp dụng đối với:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm < 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
– Hộ, cá nhân kinh doanh;
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Công thức tính thuế GTGT đối với phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó:
– Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
Nhóm | Hoạt động | Tỷ lệ % |
1 | Phân phối, cung cấp hàng hóa: | 1% |
– Hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng). | ||
2 | Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: | 5% |
– Dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ; | ||
– Dịch vụ cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê tài sản và đồ dùng cá nhân khác; | ||
– Dịch vụ cho thuê kho bãi, máy móc, phương tiện vận tải; Bốc xếp hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải như kinh doanh bến bãi, bán vé, trông giữ phương tiện; | ||
– Dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư tín và bưu kiện; | ||
– Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý; | ||
– Dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán; dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan; | ||
– Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; | ||
– Dịch vụ hỗ trợ văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác; | ||
– Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game; | ||
– Dịch vụ may đo, giặt là; Cắt tóc, làm đầu, gội đầu; | ||
– Dịch vụ sửa chữa khác bao gồm: sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình; | ||
– Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát thi công xây dựng cơ bản; | ||
– Các dịch vụ khác; | ||
– Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp). | ||
3 | Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: | 3% |
– Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa; | ||
– Khai thác, chế biến khoáng sản; | ||
– Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; | ||
– Dịch vụ kèm theo bán hàng hóa như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm theo bán sản phẩm; | ||
– Dịch vụ ăn uống; | ||
– Dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; | ||
– Xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp). | ||
4 | Hoạt động kinh doanh khác: | 2% |
– Hoạt động sản xuất các sản phẩm thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%; | ||
– Hoạt động cung cấp các dịch vụ thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%; | ||
– Các hoạt động khác chưa được liệt kê ở các nhóm 1, 2, 3 nêu trên. |
– Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.
Ví dụ: Doanh nghiệp B có kinh doanh hoạt động ăn uống và kê khai theo quý, tổng doanh thu là 200 triệu đồng. Theo đó, số thuế GTGT phải nộp = 200 triệu đồng x 3% = 6 triệu đồng (Dịch vụ ăn uống 3%) |
Lưu ý:
(1) Cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định; trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
(2) Tính thuế GTGT với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý thì thực hiện theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC ( được sửa đổi bởi Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC), cụ thể:
Thuế GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất GTGT
Trong đó:
GTGT = Giá thanh toán bán ra – Giá thanh toán mua vào tương ứng
– Giá thanh toán bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
– Giá thanh toán mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
Chi tiết liên hệ với CÔNG TY TNHH GDSERVICE VIỆT NAM
0931 474 003
customer@gdservice.com.vn