Bạn là chủ doanh nghiệp hay kế toán đang “nóng lòng” chờ đợi những thay đổi quan trọng từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2025? Từ ngày 1/10/2025, mức thuế suất cơ bản sẽ vẫn là 20%, nhưng doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng chỉ phải chịu 15%, còn doanh thu từ trên 3 tỷ đến 50 tỷ đồng áp dụng 17% – những con số này sẽ mang đến cơ hội tiết giảm chi phí thuế đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bài viết này, GDService sẽ giúp bạn chi tiết từng mức thuế suất, phân loại doanh nghiệp được áp dụng và những lưu ý không thể bỏ qua để tận dụng tối đa ưu đãi mới – đừng bỏ lỡ!
Chi tiết mức thuế suất thuế TNDN áp dụng từ 1/10/2025 theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2025?
Quốc hội ban hành Luật số 67/2025/QH15 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp
Xem toàn văn Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Tải về
Tại Điều 10, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2025 quy định về mức thuế suất TNDN áp dụng từ 1/10/2025 cụ thể như sau:
(1) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 10, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2025 và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2025.
(2) Thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng.
(3) Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này là tổng doanh thu của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp trước liền kề. Việc xác định tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(4) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số trường hợp khác được quy định như sau:
- Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí từ 25% đến 50%. Căn cứ vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng hợp đồng dầu khí;
- Đối với hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm (bao gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm và tài nguyên quý hiếm khác theo quy định của pháp luật) là 50%. Trường hợp các mô có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thuế suất là 40%.
Những loại hình doanh nghiệp nào đang hoạt động tại Việt Nam?
Căn cứ Luật doanh nghiệp 2020, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm:
(1) Doanh nghiệp tư nhân
Theo Điều 188, Luật Doanh nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
(2) Công ty cổ phần
Theo Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty Cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần gọi là cổ phần và thành viên của công ty là các cổ đông sở hữu một hoặc nhiều cổ phần. Công ty cổ phần có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để thu hút vốn.
(3) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Điều 74, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp có vốn điều lệ do một cá nhân hoặc một tổ chức sở hữu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty.
(4) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Theo Điều 46, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ hai đến tối đa 50 thành viên, là các cá nhân, tổ chức hoặc cả cá nhân và tổ chức, sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của công ty theo tỷ lệ góp vốn và chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
(5) Công ty hợp danh
Theo Điều 177, Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty hợp danh không phát hành bất ký loại chứng khoán nào.
Chính sách miễn giảm thuế TNDN 6 năm liên tiếp tại Nghị quyết 198 áp dụng với doanh nghiệp nào?
Theo Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17/5/2025.
Căn cứ quy định tại Điều 10, Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí như sau:
“1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
3. Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
5. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
6. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
7. Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
8. Miễn thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với các loại giấy tờ nếu phải cấp lại, cấp đổi khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 năm liên tiếp (6 năm đầu tiên) áp dụng với các áp dụng với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(*) Chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 năm đầu tiên gồm:
- Miễn thuế TNDN trong 2 năm;
- Giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.