Những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm

Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch thì hạn nộp hồ sơ chậm nhất sẽ là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 tính từ ngày kết thúc năm dương lịch đến cơ quan quản lý Thuế trực tiếp. Sau đây, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP tổng hợp một số vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện thủ tục này.

1. Chi phí hợp lý (được trừ) và chi phí không được trừ

Xác định chi phí được trừ là bước quan trọng trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “TNDN”), nhằm xác định được thu nhập chịu thuế, từ đó tính được thu nhập tính thuế và số thuế TNDN mà doanh nghiệp phải nộp.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng những điều kiện sau:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;

– Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ đó, có thể xác định được 34 trường hợp mà khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN.

Bên cạnh đó, nếu khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ không được trừ và vẫn được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Những vướng mắc thường gặp khi xác định chi phí được trừ

2.1. Doanh nghiệp có phải chịu giới hạn mức chi tối đa hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp được quyền chủ động trong việc quyết định thu chi phù hợp với nhu cầu, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình mà không phải chịu giới hạn mức chi tối đa nào cả.

Tuy nhiên, một số khoản chi dù đảm bảo các điều kiện được nêu ở mục 1 nhưng sẽ chỉ được tính chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu phần chi nằm trong giới hạn tương ứng theo quy định của pháp luật.

Phần chi vượt giới hạn này sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.

2.2. Doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân thanh toán thì có được tính chi phí được trừ không?

Trên thực tế, không phải khi nào doanh nghiệp cũng trực tiếp thanh toán các khoản chi mà có thể phát sinh tình huống: doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân là người lao động của doanh nghiệp, sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng mang tên cá nhân đó để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ, sau đó về thanh toán lại với doanh nghiệp.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ chỉ được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và được tính trừ chi phí khi tính thuế TNDN đối với các khoản chi phát sinh từ tình huống này nếu có đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh hàng hoá, dịch vụ được sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn như:

– Hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ mang tên doanh nghiệp;

– Hồ sơ liên quan đến việc doanh nghiệp uỷ quyền cho cá nhân thanh toán và sau đó doanh nghiệp thanh toán lại;

– Chứng từ chuyển tiền từ thẻ của cá nhân cho người bán và chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp cho cá nhân; …

3. Những vướng mắc thường gặp khi hạch toán khoản trích khấu hao tài sản cố định

3.1. Khoản trích khấu hao công trình trên đất vừa sử dụng cho sản xuất, kinh doanh vừa sử dụng cho mục đích khác có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Căn cứ Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC, khoản chi này không được tính khấu hao vào chi phí được trừ đối với giá trị công trình trên đất tương ứng phần diện tích không sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường hợp doanh nghiệp có công trình trên đất như trụ sở văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo đúng mức trích khấu hao và thời gian sử dụng tài sản cố định quy định hiện hành của Bộ Tài chính đối với các công trình này nếu đáp ứng các điều kiện như sau:

– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên doanh nghiệp (trong trường hợp đất thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp) hoặc có hợp đồng thuê đất, mượn đất giữa doanh nghiệp với đơn vị, cá nhân có đất và đại diện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hợp đồng (trong trường hợp đất đi thuê hoặc đi mượn).

– Hóa đơn thanh toán khối lượng công trình xây dựng bàn giao kèm theo hợp đồng xây dựng công trình, thanh lý hợp đồng, quyết toán giá trị công trình xây dựng mang tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp.

– Công trình trên đất được quản lý, theo dõi hạch toán theo quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định.

3.2. Doanh nghiệp có được tính chi phí được trừ đối với khoản trích khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng tài sản đó?

Nếu doanh nghiệp sở hữu tài sản cố định đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng vì:

– Sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng;

– Tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng.

Sau đó, tài sản này được tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán,
báo cáo thuế, doanh nghiệp