Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài

1. Quyền thực hiện các khoản vay nước ngoài

Các công ty thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (bao gồm cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài) (“Bên đi vay”) được phép vay vốn từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài (“Bên cho vay”) để đáp ứng nhu cầu vốn của Bên đi vay. Khoản vay giữa Bên đi vay và Bên cho vay nêu trên được gọi là khoản vay nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về vay, trả nợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp khác, đối với các khoản vay mà Bên cho vay là cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên (ví dụ: đã được cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ 12 tháng trở lên, v.v.), khoản vay đó không được xem là khoản vay nước ngoài và không chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam về vay, trả nợ nước ngoài.

2. Các loại khoản vay nước ngoài

Để phục vụ mục đích quản lý nhà nước, khoản vay nước ngoài được chia làm 2 loại:

(i) Khoản vay ngắn hạn: có thời hạn vay dưới 1 năm;

(ii) Khoản vay trung, dài hạn: có thời hạn từ 1 năm trở lên.

3. Điều kiện thực hiện khoản vay nước ngoài

Để thực hiện khoản vay nước ngoài, các bên phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

3.1. Hình thức hợp đồng vay

Hợp đồng vay phải lập bằng văn bản và phải được các bên ký kết hợp lệ trước khi giải ngân.

3.2. Loại tiền tệ cho vay

Việc vay, trả nợ nước ngoài phải được thực hiện bằng ngoại tệ. Các bên chỉ được thỏa thuận việc vay, trả nợ nước ngoài bằng đồng Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

3.3. Mục đích sử dụng vốn vay

Bên đi vay được quyền sử dụng vốn vay thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của Bên đi vay. Tuy nhiên, Bên đi vay phải thỏa mãn các điều kiện sau:

(i) Bên đi vay không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn;

(ii) Trường hợp Bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ cho dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(iii) Trường hợp Bên đi vay vay nước ngoài để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3.4. Tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài

Bên đi vay phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài. Trường hợp Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì được sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài để thực hiện các giao dịch chuyển tiền có liên quan.

Mỗi Khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 1 ngân hàng được phép. Bên đi vay có thể dùng 1 tài Khoản cho 1 hoặc nhiều Khoản vay nước ngoài.

3.5. Chi phí vay nước ngoài

Chi phí vay nước ngoài bao gồm lãi suất vay nước ngoài và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài mà Bên đi vay chắc chắn phải trả cho Bên cho vay và các bên có liên quan khác.

Chi phí vay nước ngoài do Bên đi vay và Bên cho vay thỏa thuận, trừ một số trường hợp đặc biệt Ngân hàng Nhà nước công bố và áp dụng mức trần về chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, nếu các Bên thỏa thuận chi phí vay nước ngoài không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường, Cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền có thể ấn định thuế theo quy định của pháp luật.

3.6. Đăng ký khoản vay nước ngoài

(i) Đối với khoản vay ngắn hạn:

Các khoản vay nước ngoài ngắn hạn không phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, trừ các trường hợp sau:

Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm;

Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

(ii) Đối với khoản vay trung, dài hạn:

Các khoản vay trung, dài hạn phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện giải ngân khoản vay.

4. Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài

4.1. Bên có trách nhiệm đăng ký khoản vay nước ngoài

Đối với trường hợp khoản vay nước ngoài thuộc trường hợp phải đăng ký, Bên đi vay có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4.2. Thẩm quyền xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài

Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) xác nhận đăng ký đối với các khoản vay có kim ngạch vay trên 10 (mười) triệu USD (hoặc tương đương) và các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính xác nhận đăng ký đối với các Khoản vay có kim ngạch vay đến 10 (mười) triệu USD (hoặc tương đương).

4.3. Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký khoản vay

Bên đi vay phải nộp hồ sơ đăng ký khoản vay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 30 ngày kể từ ngày:

(i) Các bên ký thỏa thuận gia hạn khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung, dài hạn;

(ii) Ngày tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên; hoặc

(iii) Các bên ký hợp đồng vay trung, dài hạn hoặc thỏa thuận rút vốn (nếu các bên đã ký hợp đồng khung về việc vay trung và dài hạn).

4.4. Thời hạn xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài

Vụ Quản lý Ngoại hối hoặc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài trong thời hạn sau:

(i) 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ đối với hồ sơ nộp trực tuyến; hoặc

(ii) 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ đối với hồ sơ nộp qua bưu điện và nộp trực tiếp.

5. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỐI VỚI BÊN ĐI VAY

5.1. Báo cáo định kỳ

Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 5 của tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo, Bên đi vay phải nộp báo cáo tình hình thực hiện các khoản vay trả nợ nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức truyền thống.

5.2. Báo cáo đột xuất

Trong các trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, Bên đi vay phải thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Dịch vụ của GDService Bao gồm:

  • Tư vấn về trình tự, thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài;
  • Tư vấn về hợp đồng vay nước ngoài;
  • Tư vấn, soạn thảo hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài;
  • Tư vấn chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp của doanh nghiệp;
  • Tư vấn chuyển đổi khoản vay nước ngoài cho doanh nghiệp;
  • Đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ, theo dõi, hoàn thành thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài;
  • Tư vấn thủ tục báo cáo thống kê về khoản vay nước ngoài;
  • Tư vấn toàn diện các vấn đề phát sinh liên quan đến khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán,
báo cáo thuế, doanh nghiệp