Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong Luật Chứng khoán

Việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng không những có ý nghĩa to lớn đối với tổ chức phát hành mà còn ảnh hưởng, tác động đến thị trường chứng khoán. Vì vậy pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Tìm hiểu trong bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý:

– Luật chứng khoán năm 2019

1. Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

2. Chào bán chứng khoán ra công chứng là gì?

Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:

– Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

– Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

– Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

3. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

3.1. Khái quát về quyền chào bán cổ phiếu

Luật Doanh nghiệp năm 2020 điều chỉnh 05 mô hình kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phần. Đây cũng là đặc trưng của công ty cổ phần và thể hiện rõ cấu trúc “vốn mở” của loại hình công ty này. Nói cách khác, đây là loại hình công ty “có khả năng mở rộng quy mô vốn thông qua thị trường chứng khoán”. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán là thị trường vốn được tổ chức rất cao nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư còn yếu và thiếu kinh nghiệm. Không những vậy, sự phát triển hay suy thoái của thị trường chứng khoán đều ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Vì thế, việc “bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển của cả nền kinh tế và đời sống xã hội”. Từ đó, nếu nguồn hàng hóa (cổ phiếu) bày bán của công ty cổ phần không chất lượng thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của các nhà đầu tư và còn tác động tới tâm lý chung của toàn bộ thị trường.

Vì vậy, nếu như trước đây, Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010 (Luật chứng khoán năm 2006) chỉ quy định tương đối sơ sài về các điều kiện chào bán cổ phiếu cổ phiếu ra công chúng thì Luật chứng khoán năm 2019 đã quy định tường tận, chi tiết, rõ ràng và thậm chí phân định rõ trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu (initial public offering – IPO) và trường hợp chào bán thêm cổ phiếu (seasoned public offering – SPO) ra công chúng. Đặc biệt, đối với những tổ chức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ phải đáp ứng các điều kiện pháp lý rất chặt chẽ; bởi lẽ, đây chính là sự tiền kiểm quan trọng của pháp luật để đánh giá liệu tổ chức phát hành có đủ khả năng tham gia thị trường chứng khoán hay không.

3.2. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng

Thứ nhất, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trong sổ kế toán.

So với Luật chứng khoán năm 2006, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán đã tăng từ 10 tỷ đồng lên thành 30 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, Luật chứng khoán năm 2019 đã tăng đáng kể mức vốn điều lệ đối với công ty cổ phần để có thể tham gia chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Để lý giải cho điều này, có nhận định cho rằng, “hiện nay, một mặt, do các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và năng lực tài chính; mặt khác, do chủng loại hàng hóa trên thị trường giao dịch chứng khoán cũng đã phong phú hơn trước, quy định về mức vốn điều lệ mà các doanh nghiệp phải thỏa mãn để được chào bán cổ phiếu ra công chúng lại được nâng lên”. Điều này đòi hỏi “sức khỏe” và “tiềm lực” tài chính của tổ chức phát hành phải đủ tốt thì mới có thể chào bán “hàng hóa” trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Hơn nữa, nếu công ty có tiềm lực tài chính vững vàng cũng chính là góp phần đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi mua cổ phần và đảm bảo cho thị trường chứng khoán có thêm một nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Nếu như so với quy định trước đây, tổ chức phát hành chỉ cần đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán thì hoạt động kinh doanh hiện nay phải đáp ứng tối thiểu 02 năm liên tục phải có lãi. Điều này thể hiện “doanh nghiệp có nhu cầu chào bán cổ phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả… Quy định này sẽ góp phần đảm bảo rằng doanh nghiệp phát hành có khả năng đem lại thu nhập thỏa đáng cho các cổ đông tương lai”. Bởi lẽ, chỉ có căn cứ vào kết quả kinh doanh gần nhất mới có thể nhận định, đánh giá chính xác về khả năng tồn tại và phát triển của công ty có mong muốn được tham gia chào bán cổ phiếu ra công chúng. Do đó, một trong những thước đo quan trọng và đơn giản dùng để đánh giá, xem xét liệu công ty cổ phần có thể làm ăn hiệu quả sau khi chào bán cổ phiếu hay không chính là xem xét từ các số liệu liên quan đến kết quả làm ăn gần nhất của công ty này.

Thứ ba, có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

“Một trong những đặc điểm của công ty cổ phần là quản lý tập trung thông qua cơ cấu hội đồng”. “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết và đây chính là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần”. Về nguyên tắc, tất cả các công việc quan trọng của công ty cổ phần đều phải được Đại hội đồng cổ đông xem xét và biểu quyết tập thể để thông qua. Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng chính là hành vi có thể làm thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và làm cho công ty này trở thành công ty đại chúng. Do đây là một quyết định rất quan trọng nên cần phải được sự đồng ý và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Có thể thấy rằng, việc Luật chứng khoán năm 2019 tiếp tục quy định điều kiện này chính là nhằm mục đích đảm bảo cho Đại hội đồng cổ đông thực hiện được quyền tự quyết định các định hướng tồn tại và phát triển của công ty cổ phần. Mặt khác, “Luật chứng khoán đã thể hiện sự nhất quán với Luật Doanh nghiệp bằng cách thừa nhận quyền quyết định tối cao của Đại hội cổ đông đối với phương án huy động và sử dụng vốn của doanh nghiệp”.

Thứ tư, tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số CP có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành.

Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Đây là những cổ đông có quyền hạn và khả năng tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của công ty đại chúng. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với các công ty cổ phần “quyền lực của các công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người quản lý điều hành công ty (managers)”. Chính vì để hạn chế bớt sự ảnh hưởng, lũng đoạn và làm cho công ty đại chúng trở thành một công ty đúng nghĩa “đại chúng” là sự đóng góp, hợp tác và là công ty của nhiều thành viên thì cần thiết phải đảm bảo sự dân chủ, công bằng, chia sẻ đồng đều quyền hạn trong cơ cấu tổ chức của công ty. Do đó, Luật chứng khoán năm 2019 đưa ra yêu cầu phải có ít nhất là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Còn trong trường hợp những tổ chức phát hành với quy mô lớn từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết có thể giảm xuống nhưng về nguyên tắc, vẫn phải đảm bảo tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành được bán cho các nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Quy định này nhằm mục đích làm giảm bớt sự thâu tóm quyền lực của các cổ đông lớn.

Thứ năm, cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Mục đích của điều kiện này là nhằm ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các cổ đông lớn với tổ chức phát hành thông qua việc yêu cầu cổ đông lớn phải cùng nhau nắm giữ một tỷ lệ vốn điều lệ của tổ chức phát hành trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi lẽ, nếu như cho phép cổ đông lớn có thể tự do chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của họ ngay khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, rất có thể làm cho các cổ đông lớn thiếu trách nhiệm với tổ chức phát hành và thậm chí còn có thể phát sinh các hành vi lừa đảo huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Quy định này chính là sự ràng buộc chặt chẽ về cả quyền lợi và trách nhiệm của cổ đông lớn đối với tổ chức phát hành và trước các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu.

Thứ sáu, tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.

Cổ phiếu là một loại giấy tờ có giá và giá trị của cổ phiếu gắn liền với uy tín, danh tiếng của tổ chức phát hành ra chúng. Bên cạnh đó,cổ phiếu sau khi phát hành có thể được rất nhiều nhà đầu tư sở hữu và mua bán nhờ tính thanh khoản (thanh tiêu – tính lỏng) dễ dàng. Chính vì vậy, sự tồn tại, phát triển của tổ chức phát hành liên quan trực tiếp đến giá trị của cổ phiếu và gắn liền với quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đang sở hữu chúng. Hơn thế nữa, thị trường chứng khoán còn rất nhạy cảm trước các tin đồn hay sự hoảng loạn của nhà đầu tư. Vậy nên, nếu như tổ chức mong muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng lại đang liên quan đến vi phạm pháp luật hình sự và đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải chịu những mức hình phạt như xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà vẫn chưa được xóa án tích, thì nếu cổ phiếu đó được phép phát hành, có thể gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho các nhà đầu tư và từ đó, có thể gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ thị trường chứng khoán. Trên thực tế, ngay cả các tổ chức đã phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng và đang hoạt động rất hiệu quả nhưng chỉ vì một vài tin đồn không chính xác cũng đã làm ảnh hưởng không những đến giá trị cổ phiếu của tổ chức đó mà còn làm sụt giảm giá trị của nhiều cổ phiếu thuộc mã ngành đó. Chính vì thế, pháp luật chứng khoán đưa ra yêu cầu bắt buộc tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải có một “lý lịch” tư pháp trong sạch, rõ ràng để đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư.

Thứ bảycó công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.

“Công ty chứng khoán là định chế tài chính trung gian quan trọng trên thị trường chứng khoán. Hay có thể khẳng định, công ty chứng khoán “đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Mặt khác, công ty chứng khoán còn là “tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán thông qua các hoạt động kinh doanh chính như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Trong đó, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thường khó khăn, phức tạp, rắc rối đối với các tổ chức phát hành lần đầu. Bởi lẽ, không chỉ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý, công ty chứng khoán còn phải thực hiện đầy đủ, chi tiết các loại giấy tờ, sổ sách kế toán hay chứng từ hạch toán… Do đó, nếu có sự hỗ trợ, giúp đỡ của công ty chứng khoán cho các tổ chức phát hành trong việc tư vấn hồ sơ chào báncổ phiếu thì việc thực hiện các thủ tục sẽ nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả và đúng pháp luật. Bởi vậy, để đảm bảo hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thì yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức phát hành là cần phải có sự tư vấn của công ty chứng khoán trong việc lập hồ sơ chào bán. Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019, tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 còn quy định mức hình phạt đối với tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Đây là những quy định rất chặt chẽ, nhằm đảm bảo việc lập, nộp hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng được kiểm soát nghiêm minh, đúng pháp luật.

Thứ tám, có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Điều kiện này nhằm ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức phát hành sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho phép được chào bán cổ phiếu ra công chúng. Về nguyên tắc, tổ chức phát hànhphải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán ngay sau khi đợt chào bán kết thúc. Sở dĩ như vậy là vì cổ phiếu sau khi kết thúc đợt chào bán phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch công khai tại các hệ thống giao dịch chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán) để nhà đầu tư có thể liên tục và kịp thời theo dõi các diễn biến. Mặt khác, việc niêm yết còn đảm bảo tổ chức phát hành sẽ phải thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định.

Thứ chín, tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Đây là điều kiện mới được đưa vào Luật chứng khoán năm 2019 nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm của tổ chức phát hành đối với khoản tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu. Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019, tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho đến khi hoàn tất đợt chào bán và báo cáo UBCKNN..

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán,
báo cáo thuế, doanh nghiệp